Đã bao giờ bạn bước vào một cửa hàng bất kỳ trong trung tâm thương mại và tự hỏi tại sao người ta bố trí sản phẩm theo hàng lối, phân khu rõ ràng chưa? Hay như đi ăn những bàn tiệc sang trọng, tại sao đĩa đựng chú gà Tây lại ở giữa, đĩa salad ở xung quanh và đĩa khoai tây chiên thường phía ngoài cùng? Thực ra, những sự sắp đặt tưởng chừng ngẫu nhiên ấy lại là ý đồ của nhà sản xuất muốn đem lại trải nghiệm tích cực cho người dùng.
Nhiệm vụ chính của VM là gì và tại sao các thương hiệu không thể thiếu nhân viên VM?
Nhìn chung, VM có thể coi là một công việc và đôi khi được xem như nhiệm vụ đầu tiên của Trade Marketing (Tiếp thị thương mại). Tức là một người làm Marketing sẽ cần có hiểu biết cơ bản về VM, hoặc nhân viên VM để làm thành thạo công việc cũng nên nắm rõ về Marketing. Một số nhiệm vụ của nghề VM có thể chỉ ra như:
- Trực tiếp điều phối, thực hiện nhiệm vụ bày biện, sắp xếp sản phẩm trong/ngoài cửa hàng. Luôn phải đảm bảo giám sát sản phẩm lẫn không gian để khách hàng luôn cảm nhận được sự sạch sẽ, ngăn nắp.
- Ngoài ra, một nhân viên VM còn có nhiệm vụ phân bổ hợp lý lượng hàng hóa giữa các cửa hàng để đảm bảo cung ứng nhu cầu cho khách đến mua. Đối với nhân viên làm về lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm... thì họ cũng được đào tạo để nắm rõ tư duy về sắp xếp bộ sưu tập để đẩy sale, tăng độ phủ sản phẩm đến với người tiêu dùng.
- Vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết, mùa mua sắm... VM sẽ phối hợp với team Marketing để bày biện, sắp xếp sản phẩm phù hợp với chương trình giảm giá cũng như để khách nhìn thấy banner, poster dễ dàng hơn.
- Là 1 VM chuyên nghiệp, có lẽ không thể thiếu đi nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là sản xuất nội dung của các quyển catalogue định kỳ, theo tháng, thậm chí còn được chỉ đạo sản xuất chụp người mẫu, sản phẩm, đăng tải lên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Nói tóm lại, nhiệm vụ của một VM thường không quá nhiều khác biệt so với 1 Marketer. Do đó chị em hoàn toàn có thể cáng đáng cả hai công việc mà không sợ bị mệt mỏi, quá tải đâu nha!
Các cửa hàng trong trung tâm thương mại thường khó mà bỏ qua nhiệm vụ sắp đặt, từ sắp đặt gian hàng (tầng nào là đồ ăn, tầng nào là khu vui chơi, ăn uống...) cho đến sắp đặt sản phẩm trong mỗi gian ấy (sản phẩm nào bày trước, sau, trên, dưới, số lượng...).
Quang Minh, từng là nhân viên của một cửa hàng bán dao Nhật Bản cho biết "Gần như mọi gian hàng của đủ các loại sản phẩm đều rất cần đến VM. Vì khách hàng không có quá nhiều thời gian để tìm tòi từng cửa hàng mà họ sẽ bị ấn tượng chớp nhoáng. Tức là phải bày biện sao cho sản phẩm thu hút ngay khách vào mua sắm. Ví dụ như bày những đồ giá rẻ, bán chạy ra ngoài, hoặc sản phẩm mới của BST để kích thích tò mò."
Thu nhập tốt và quan trọng là luôn được đổi mới bản thân
Nghề VM có ở trên thế giới từ lâu nhưng mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Gần như chưa có một ngành học nào đào tạo bài bản về nghệ thuật sắp đặt. Đa số người làm công việc này là "đá ngang" từ sale, marketing hoặc thời trang, thiết kế... Nhưng không vì thế mà VM bị xem nhẹ và trả lương thấp. Theo trang Vietnam Salary cung cấp, mức lương của nhân viên VM dao động từ 12 triệu đồng/tháng cho đến 36 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, khi làm công việc này, bạn cũng có thể nhận nhiều job ngoài nếu được các nhãn hàng khác thuê hay tự kinh doanh chính bản thân mình. Do đó thu nhập còn khủng hơn nữa.
Nhiều người nghĩ chỉ là công việc sắp xếp sản phẩm thì làm một vài lần sẽ quen và sau đó rập khuôn cho cả tuần, thậm chí cả tháng. Nhưng trên thực tế, chương trình sale, sản phẩm mới ra liên tục nên không thể làm một cách trớt quớt, hời hợt. Hơn nữa, hiện nay thị trường bán hàng offline đang phải cạnh tranh nhiều với các trang thương mại điện tử nên nhân viên VM còn phải nỗ lực hơn nữa để níu chân khách ở lại.
Được làm công việc sắp xếp sản phẩm, chắc chắn chị em sẽ luôn tràn đầy năng lượng lẫn sự mới mẻ trong nội hàm đấy! Hãy thử sức nếu bạn đang muốn tìm một hướng đi khác cho bản thân nhé!
Tự hào được thực hiện bằng ♥ ở Ba Lan