Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Hải Dương
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn
Mặc dù số lao động có việc làm đã trở lại xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý I năm 2024 là 64,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Xét theo khu vực, tỷ lệ lao động phi chính thức khu vực thành thị là 49,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý IV năm 2023 và tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ lao động phi chính thức ở nông thôn là 74,4%, không đổi so với quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Số lao động có việc làm phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn với hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Số lao động có việc làm phi chính thức quý I/2024 đạt mức 33,3 triệu người, tăng 240,1 nghìn lao động so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do số lao động phi chính thức ở ngành dịch vụ tăng. Trên thực tế, áp lực cắt giảm lao động từ các DN giai đoạn trong và hậu Covid-19 tạo ra sự chuyển dịch mạnh lao động từ khu vực công nghiệp và xây dựng sang khu vực dịch vụ khiến lao động phi chính thức ở ngành dịch vụ tăng mạnh.
Việc lao động phi chính thức vẫn chiếm một phần lớn trong tổng số lao động làm việc đặt ra nhu cầu cấp thiết cho quá trình chính thức hóa và bảo đảm quyền lợi cho NLĐ tại khu vực này.
Thời gian nghỉ tết nguyên đán, hay các dịp nghỉ lễ lớn trong năm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thường tăng cường tuyển thêm lao động thời vụ tạm thời hoặc tăng ca để đáp ứng nhu cầu kinh doanh trước dịp Tết. Tuy nhiên, sau khi kỳ nghỉ kết thúc, số giờ làm và số lao động thường giảm đi. Kết quả là tình hình thiếu việc làm quý I thường cao hơn so với quý trước. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 khoảng 933,0 nghìn người, tăng 26,4 nghìn người so với quý trước và tăng 47,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 là 2,03%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,09 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 1,20%, thấp hơn khu vực nông thôn (2,58%).
Thị trường lao động có dấu hiệu khởi sắc nhưng chưa ổn định
Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có có 51,6 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký gần 508 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% về số DN và tăng 9,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lượng vốn đầu tư nước ngoài tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp của tháng 4/2024 ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường hàng hóa cũng trở nên sôi động hơn do nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí tăng trong những ngày nghỉ lễ. Điều đó đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho đến hết quý I/2024.
Những dây chuyền sản xuất dần đi vào hoạt động đồng nghĩa với nhu cầu tuyển dụng dần khởi sắc trở lại. Những ngành nghề có nhu cầu tăng việc làm là sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%. Đây vốn là các ngành thâm dụng lao động bị sụt giảm trong giai đoạn 2020-2023. Những tín hiệu trên cho thấy nền kinh tế Việt Nam dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức nhưng đã vượt qua và đang trên đà hồi phục, trở lại nhịp độ tăng trưởng như trước đại dịch Covid 19. Điều này là cơ sở trong việc cải thiện tình hình việc làm, thu nhập và đời sống của công nhân lao động.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 353,8 nghìn lao động đăng ký mới, tăng 6,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Số lao động có việc làm trong quý này cũng đạt 51,3 triệu người, tăng 174 nghìn người (tương ứng 0,34%) so với quý I năm 2023 nhưng giảm 127 nghìn người (tương ứng 0,25%) so với quý IV năm 2023. Theo nhận định chung số lao động có việc làm quý đầu năm nay đã quay trở lại xu hướng phát triển bình thường.
Số người và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức trước đại dịch. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 khoảng 1,05 triệu người, giảm 10,3 nghìn người so với quý trước đó và tăng 5,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2024 là 2,24%, giảm 0,02% so với quý trước và giảm 0,01% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thất nghiệp thấp nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay và cũng tương đương với mức quan sát được trên thị trường lao động Việt Nam khi chưa xuất hiện đại dịch Covid-19.
Mặc dù thị trường lao động đã bắt đầu nhận được những tín hiệu tích cực, thực tế vẫn còn tồn tại một số vấn đề liên quan đến tình hình việc làm.
Tình hình ký kết hợp đồng lao động chưa đồng đều
Trong DN, tình hình việc làm của NLĐ cơ bản đã được đảm bảo, người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ trách nhiệm giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ trong đơn vị. Theo khảo sát của Viện CNCĐ thực hiện trong quý IV/2023, 99,4% NLĐ được ký kết hợp đồng, 81,9% được ký hợp đồng không xác định thời hạn. Tuy nhiên tại một số DN việc giao kết hợp đồng lao động vẫn còn tồn tại như:
Tình trạng HĐLĐ giao kết sơ sài, thiếu nhiều nội dung như: Công việc phải làm, hình thức trả lương, các khoản phụ cấp, an toàn vệ sinh lao động và điều kiện làm việc,...
Tình trạng DN ký kết HĐLĐ với NLĐ, nhưng lại né tránh các quy định ràng buộc, không sử dụng từ “HĐLĐ” theo quy định của pháp luật mà thay bằng các tên gọi khác như “hợp đồng khoán việc”, “hợp đồng dịch vụ”, “hợp đồng cộng tác viên”, “hợp đồng thầu nhân công”… để trốn tránh các nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các nghĩa vụ khác đối với NLĐ nếu xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tình trạng DN không tiếp tục ký HĐLĐ mới những lao động có hợp đồng xác định thời hạn đến thời điểm HĐLĐ hết hiệu lực. Có tình trạng sử dụng lao động thời vụ trả lương theo giờ/ theo ngày ở một số DN kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn để giải quyết công việc phát sinh. Tại một số DN còn tình trạng giao kết sai loại hợp đồng; tình trạng giao kết HĐLĐ bằng lời nói trái quy định; ký HĐLĐ xác định thời hạn nhiều hơn 2 lần liên tiếp; ký HĐLĐ có thời hạn dưới 3 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên để trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo BHXH, BHYT.
Thời giờ làm việc thuộc nhóm cao trên thế giới
Việt Nam là một trong số các quốc gia có thời giờ làm việc cao. Theo số liệu khảo sát 154 quốc gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần; 1/3 số nước áp dụng là 48 giờ giống Việt Nam và khoảng 2/3 các nước có 48 giờ trở xuống. Trong khi đó, từ năm 1935, ILO đã thông qua Công ước số 47 về tuần làm việc 40 giờ; đến năm 1962 tiếp tục đưa ra Khuyến nghị 116 về giảm thời giờ làm việc. Đến nay nhiều quốc gia tiên tiến đã giảm giờ làm xuống 7 giờ/ ngày, hoặc áp dụng tuần làm việc 36-40-44 giờ/ tuần, như Trung Quốc 40 giờ/ tuần, Nhật 40 giờ/ tuần, Singapore 44 giờ/ tuần, Mông Cổ 40 giờ/ tuần.
Khảo sát của Viện CNCĐ cuối năm 2023 cho thấy, ở khu vực DN, số giờ làm việc trung bình của NLĐ trong các DN cổ phần hóa/DN nhà nước là 45,04 giờ/tuần (tăng 0,19 giờ/tuần so với năm 2022); trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN tư nhân là 46,57 giờ/tuần (tăng 0,7 giờ/tuần so với năm 2022).
Việc thời gian làm việc thực tế/tuần của NLĐ trong các DN đều thấp hơn giờ làm việc tiêu chuẩn (48 giờ/tuần) là do ảnh hưởng của việc thiếu đơn hàng, sản xuất kinh doanh cầm chừng của nhiều DN trong giai đoạn trong và hậu Covid-19. Chỉ có 25,6% NLĐ có tăng ca. Số giờ tăng ca của NLĐ trong các DN FDI, doanh nghiệp tư nhân là 5,42 giờ/tuần (giảm 3,02 giờ/tuần) so với năm 2022; các DN nhà nước/cổ phần hóa là 6,01 giờ/tuần. Thời giờ tăng ca tác động đáng kể đến thu nhập của NLĐ, bởi tiền lương được trả trong thời giờ làm việc chính thức chủ yếu được các DN xác định dựa theo mức lương tối thiểu vùng (vốn khá thấp).